Tổng quan về huyện Khoái Châu
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 1996
Hưng Yên - Đất khoa bảng đất anh hùng

Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nhất là về cử nghiệp và thi thư. Trong 845 năm nho học, Hưng Yên có 214 vị đỗ đại khoa, đó là chưa kể những nhân vật huyền thoại như Tống Trân - người thôn An Đỗ, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Truyền thống văn hiến - khoa bảng

Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nhất là về cử nghiệp và thi thư. Trong 845 năm nho học, Hưng Yên có 214 vị đỗ đại khoa, đó là chưa kể những nhân vật huyền thoại như Tống Trân - người thôn An Đỗ, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Đội ngũ các nhà cử nghiệp Hưng Yên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội như Đỗ Thế Diên - người Cổ Liêu, Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Yên), thi đỗ đời Lý Cao Tông (năm 1185) và làm quan đến Triều nghị đại phu; Phạm Ngũ Lão (1225 - 1320) quê Phù ủng - Ân Thi, một danh tướng đời Trần, một thi sĩ nổi tiếng; Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) người Thổ Hoàng - Ân Thi, 12 tuổi đỗ Thái học sinh, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp, đi sứ Bắc, soạn sử Nam, đại thần của 5 đời vua Trần; Đào Công Soạn (1381 - 1458), quê Thiện Phiến - Tiên Lữ, văn chương chính sự nổi tiếng một thời; Đỗ Nhân (1474 - 1518), người Lại ốc - Văn Giang, làm quan đến Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ; Lê Như Hổ (1529 - ?), quê Tiên Châu - Tiên Lữ, nhà toán học, ngoại giao, sử học lỗi lạc; Đoàn Thị Điểm, được mệnh danh là Hồng Hà nữ sĩ, quê Giai Phạm - Yên Mỹ, dịch giả Chinh phụ ngâm nổi tiếng; Lê Hữu Trác (1720 - 1792), người Liêu Xá - Yên Mỹ, một danh y có tiếng; Chu Mạnh Trinh (1862 - 1902), quê Phú Thị - Văn Giang, nhà thơ nổi tiếng một thời.

Các nhà đại khoa như Cái Phùng (Thổ Hoàng - Ân Thi), Nguyễn Nho Tông (Vực Đường - Ân Thi), Đặng Tử Nghi (Tân Lập - Yên Mỹ), Nguyễn Thì ủng (Đa Ngưu - Văn Giang), Dương Phúc Tư (Lạc Đạo - Văn Lâm), Phạm Công Trứ (Nghĩa Hiệp - Yên Mỹ), Lê Hữu Kiều (Liêu Xá - Yên Mỹ), Bùi Ngọc Quỹ (Nghĩa Lộ - Văn Lâm),... cũng có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước.

Bước sang thế kỷ XX, đội ngũ nhân tài của Hưng Yên ngày một đông đảo và có nhiều đóng góp cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực văn hoá, khoa học. Làng Phú Thị, Mễ Sở (Văn Giang) với các tên tuổi Dương Quảng Hàm (nhà sư phạm, soạn giả); nhà văn, dịch giả Dương Tự Quán và danh hoạ Dương Bích Liên. Xã Thuỵ Lôi (Tiên Lữ) có nhà cải cách sân khấu chèo Nguyễn Đình Nghị. Làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) có nhà khoa học lớn Nguyễn Công Tiễu. Làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) có danh họa Tô Ngọc Vân, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Làng Liêu Xá, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ) có nhà văn Vũ Trọng Phụng. Xã Tống Trân (Tiên Lữ) có nhạc sĩ tài ba Mai Văn Chung. Làng Đào Xá (Ân Thi) có nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học Phạm Huy Thông.

Đó chính là điểm tựa cho lòng tự hào và chiến lược con người của Hưng Yên trong tương lai.

Truyền thống thượng võ, yêu nước

Được cấu thành từ ba vùng đất của trấn Sơn Nam, trấn Hải Đông và trấn Kinh Bắc, vùng đất Hưng Yên có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Mở đầu trang sử chống xâm lăng của nhân dân Hưng Yên là chiến công của 3 chàng trai làng Thổ Hoàng (Ân Thi), của Hoàng An ở làng Phả Lễ (Văn Lâm) đã cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân xâm lược ở đời Hùng Vương thứ 6. Tiếp đó là chiến công của các Lạc tướng Đặng Minh Đức, Đặng Chiêu Trung trên đất Nghĩa Trang (Mỹ Văn). Năm 214 trước công nguyên, quân Tần kéo sang xâm lược, nhân dân địa phương đã sát cánh chiến đấu trong đội quân của Trương Hoàng, Trương Tính (Trung Đạo - Yên Mỹ), của Nguyễn Bảo (Triều Dương - Tiên Lữ), lập nhiều chiến công hiển hách.

Suốt nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân Hưng Yên đã nung nấu chí khí căm thù quân xâm lược, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách thống trị nhà Đông Hán bùng nổ. Trong đội ngũ các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa có Nguyệt Thai, Nguyệt Độ (Khoái Châu), Lã Văn ất (Văn Giang), Hương Thảo (Ân Thi), Mã Châu (thị xã Hưng Yên), Trần Lữu (Tiên Lữ),... đã góp phần đánh đuổi thái thú Tô Định, giải phóng Luy Lâu, Chu Diên và hơn 60 thành trì khác.

Năm 542, cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Lương do Lý Bí lãnh đạo đã nhận được sự hưởng ứng của Triệu Túc - thủ lĩnh vùng Chu Diên và con trai là Triệu Quang Phục. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, năm 543, Lý Bí xưng vương, lập nước Vạn Xuân. Hai năm sau, giặc đưa quân sang phản công. Sau khi Lý Bí mất năm 548, Triệu Quang Phục lên thay đã lui quân về Dạ Trạch, xưng là Triệu Việt Vương, giáng cho quân Lương nhiều đòn chí mạng, giết chết tướng giặc là Dương Sàn, giành lại độc lập cho dân tộc trong 20 năm.

Năm 938, để đánh tan mưu đồ của giặc Hán, Ngô Quyền đóng đại bản doanh tại phố Vương (phố Giác - Tiên Lữ) chuẩn bị cho trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng. Trận chiến này đã nhận được sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ (Đằng Châu, nay thuộc thị xã Hưng Yên) và sự giúp đỡ của nhân dân các thôn Tiên Xá, Dị Chế (Tiên Lữ). Những đóng góp của nhân dân Hưng Yên đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Đến giữa thế kỷ X, nhà Tống đã cùng với quân Chiêm Thành đánh chiếm nước ta. Nhân dân Hưng Yên đã có công chặn đánh quân Chiêm Thành ngay ở cửa ngõ Thăng Long.

Trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vùng đất Hưng Yên trở thành hậu cứ quan trọng của vương triều Trần. Những địa danh Xích Đằng (đoạn sông Hồng từ cuối thị xã Hưng Yên đến cửa Ba Lạt) với trận chiến Đông Bộ Đầu ngày 24-1-1258 (trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất); tướng quân Phạm Ngũ Lão (Phù ủng - Ân Thi) bảo vệ vẹn toàn hoàng tộc nhà Trần trên sông Hoàng Giang, Trần Bình Trọng với trận chiến trên bãi Thiên Mạc (Khoái Châu) trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (năm 1285); phòng tuyến ở Thiên Mạc, Hàm Tử, Đông Kết, Tây Kết chặn địch để vua Trần rút lui an toàn về sông Hoàng Giang trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Đến đầu thế kỷ XV, những tên tuổi như Nguyễn Tống Biệt, Nguyễn Tuân gắn với cuộc khởi nghĩa ở Đông Kết, Hạ Hồng; cô đào Đào Thị Huệ (Đầu Đặng - Tiên Lữ) đã dùng mưu giết giặc; Bùi Dị, Lưu Nhân Chú, Doãn Nỗ cùng cánh quân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tiến đánh phủ Kiến Xương (năm 1426) và địa danh Vĩnh Động (Kim Động) - nơi Lê Lợi tiến hành duyệt binh để biểu dương lực lượng đã trở thành những cái tên bất thủ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Ngày 28-3-1883, quân Pháp đánh chiếm thành Hưng Yên lần thứ hai. Đinh Gia Quế, người thôn Thọ Bình thuộc xã Tân Dân, Khoái Châu tự xưng là Đổng Nguyên Nhung, dựng cờ "Bình Tây phạt tội", chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ chống thực dân Pháp ở Bãi Sậy. Nghĩa quân đã đánh bại các cuộc tấn công lớn của Thiếu tướng Donier và án sát Hoàng Cao Khải. Sau khi Đổng Quế qua đời vào giữa năm 1885, Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, người xã Xuân Dục, Mỹ Hào đã tiếp tục lãnh đạo phong trào. Nhân dân Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh đã nô nức gia nhập nghĩa quân, xây dựng nhiều làng xóm thành pháo đài, cung cấp quân lương, cứu chữa thương binh. Nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận lẫy lừng ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông - Sơn Tây (thuộc Hà Tây ngày nay), Bắc Giang, Quảng Yên,... Mặc dù chỉ tồn tại trong 9 năm (1883 - 1892) song khởi nghĩa Bãi Sậy đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Hưng Yên, tô đậm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1945, nhiều con em Hưng Yên đã đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn để giải phóng quê hương, trong đó đã xuất hiện một số cá nhân tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Văn Linh (tên thật Nguyễn Văn Cúc, Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), quê ở Yên Phú, xã Giai Phạm (nay thuộc Yên Mỹ); đồng chí Tô Hiệu, quê ở Xuân Cầu (Nghĩa Trụ, Văn Giang); đồng chí Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miễu), quê xã Nghĩa Trụ (Văn Giang); đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, quê ở Chợ Thi (Ân Thi); đồng chí Ngô Huy Tăng quê ở thôn Ngọc Lập, Mỹ Hào (nay là xã Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào); đồng chí Nguyễn Văn Nhân, quê ở làng Đào Xá (Ân Thi). Họ là hiện thân tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của người dân Hưng Yên "Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (4-1945 - 8-1975), mở đầu là trận tấn công đồn Bần đêm 12-3-1945 và kết thúc bằng cuộc tổng biểu tình mít tinh giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh ngày 22-8-1945. Trong đêm 22-8-1945, Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập, mở ra kỷ nguyên mới cho người dân Hưng Yên - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, cuối năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hưng Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hưng Yên đã cùng cả nước đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Sau hơn 7 năm trường kỳ kháng chiến (từ ngày 4-1-1947 đến ngày 27-7-1954), quân và dân Hưng Yên đã đánh 9.022 trận, tiêu diệt 19.275 tên địch, bắt sống 4.917 tên, ra hàng 12.052 tên. Những chiến công trên đường 5, đường sắt và vùng phụ cận đã góp phần làm nên "Sấm đường 5" vang dội. Không những thế, quân và dân Hưng Yên đã tiêu diệt hàng trăm đồn địch, đánh hàng trăm đợt vây càn của địch, đánh bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, đánh ở mọi nơi, mọi lúc, tạo nên "thiên la, địa võng" của chiến tranh du kích, trở thành một trong những tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhiều cá nhân đã trở thành tấm gương tiêu biểu, niềm tự hào của người dân Hưng Yên như: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Dương Quảng Châu (quê xã Quảng Châu, thị xã Hưng Yên) và liệt sĩ Bùi Thị Cúc (công an, du kích xã Vân Du, huyện Ân Thi).

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ Tổ quốc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân Hưng Yên đã anh dũng chiến đấu và lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhiều tên đất, tên người và đơn vị vũ trang đã đi vào lịch sử của dân tộc như bản anh hùng ca bất diệt như: trận địa tên lửa ở Long Hưng (Văn Giang) đã góp phần cùng Hà Nội bắn rơi tại chỗ 10 chiếc máy bay địch trong ngày 19-5-1967; bộ đội phòng không Hưng Yên bắn rơi 02 máy bay địch ngày 22-6-1967; nhân dân Khoái Châu bằng súng bộ binh bắn rơi 01 máy bay địch và bắt sống giặc lái; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phòng không, dân quân Hưng Yên đã bắn rơi 4 chiếc và bắn bị thương 6 chiếc khác, gây thiệt hại nặng nề cho quân địch. Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, bộ đội tên lửa đóng trên địa bàn tỉnh đã bắn rơi 01 máy bay không người lái của địch vào ngày 12-10-1972. Đặc biệt, ngày 21, rạng sáng ngày 22-12-1972, 01 pháo đài bay B.52 đã bị bắn cháy trên bầu trời Hưng Yên. Với những chiến công lập được trong giai đoạn 1954 - 1975, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Hưng Yên cùng Hải Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 9/10 huyện, thị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 36 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 4 xã được phong tặng Anh hùng lao động. Cùng với tập thể, 28 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 845 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Lịch sử mãi ghi nhận những công lao, đóng góp của người dân Hưng Yên trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người dân Hưng Yên mãi tự hào về truyền thống văn hoá, khoa bảng, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, người dân Hưng Yên sẽ không ngừng phát huy những truyền thống quý báu đó để xây dựng Hưng Yên ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Theo "Hưng Yên, thế và lực"

Tin liên quan