Tổng quan về huyện Khoái Châu
Đăng ngày: 19/11/2023 - Lượt xem: 3846
TỔNG QUAN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HUYỆN KHOÁI CHÂU

Huyện Khoái Châu nằm trên bờ tả ngạn của sông Hồng, là vùng đất cổ, được hình thành từ rất sớm, là nơi nổi tiếng với thiên tình sử đầy thơ mộng của Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Trong đó đáng chú ý nhất là quần thể Đền Đa Hòa - Bình Minh, Đền Hóa - Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đền Dạ Trạch gắn với các địa danh lịch sử oai hùng của Triệu Quang Phục chống giặc nhà Lương. Bên cạnh đó Khoái Châu vẫn còn nhiều địa danh nổi tiếng như: Hàm Tử, Tây Kết nơi diễn ra các trận thắng trong kháng chiến chống quân Nguyên của thời nhà Trần; cây Đa Sài Thị - xã Thuần Hưng là nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hưng Yên; Nhà thờ Bà Hoàng Thị Loan thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh – Thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến....

Huyện Khoái Châu nằm trên bờ tả ngạn của sông Hồng, là vùng đất cổ, được hình thành từ rất sớm. Vào thời trước Hùng Vương, phù sa sông Hồng đã bồi tụ lên vùng đất này, nhưng chỉ có một số gò đống nổi lên giữa một vùng ngập nước. Người Việt cổ đã đến cư trú, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và khai hoang, thau chua, rửa mặn, bắt đầu gieo cấy lúa nước. Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; cha ông ta đã tới đây khai phá đất hoang, dựng xóm, lập làng, đắp đê trị thủy với biết bao thăng trầm để hình thành lên vùng đất Khoái Châu như ngày hôm nay.

Thời các Vua Hùng (1289-258 TCN), vùng đất Khoái Châu thuộc bộ Dương Tuyền, nước Văn Lang; từ khi Triệu Đà diệt nước Âu Lạc (211TCN) đô hộ nước ta cho tới thời thuộc Đông Hán, Tống, Tề, Lương, Trần đều thuộc huyện Chu Diên, Quận Giao Chỉ; đến thời vua Đinh Tiên Hoàng (967-979) và Tiền Lê (979-1009) đổi là Châu Diên, Lê Ngoạ Triều đổi là Phủ Thái Bình. Thời nhà Lý (1010-1225), vùng đất thuộc huyện Khoái Châu ngày nay đổi thành huyện Đông Kết, thuộc Khoái Lộ. Thời Lý Cao Tông (1176-1210) tách Khoái Lộ thành Châu Đằng và Châu Khoái thì Đông Kết thuộc Châu Khoái. Đến thời Trần sau chiến thắng Nguyên - Mông lần thứ ba (1288), vua Trần ban đất Châu Khoái cho Nguyễn Khoái thì Châu Khoái đổi thành Khoái Châu, huyện Đông Kết vẫn thuộc Khoái Châu. Tới thời Lê, giữa niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) vùng đất huyện Khoái Châu ngày nay đổi là Đông Yên thuộc Sơn Nam thừa tuyên. Đời Lê Trung Hưng chia Sơn Nam thành Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ thì Khoái Châu thuộc Sơn Nam thượng. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thành lập tỉnh Hưng Yên thì phủ Khoái Châu (trong đó có huyện Đông Yên) thuộc tỉnh Hưng Yên. Tháng 12/1890, toàn quyền Piquet ký Nghị định thành lập Bãi Sậy có 4 huyện mới, đã cắt huyện Đông Yên 3 tổng là Khóa Nhu, Tư Dương, Yên Phú để cùng với các tổng khác cắt từ Văn Giang (Bắc Ninh), Đường Hào (Hải Dương), Ân Thi (Hưng Yên) để thành lập huyện Yên Mỹ. Phủ Khoái Châu có 10 tổng, 76 xã.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ bỏ cấp phủ, từ đó phủ Khoái Châu gọi là huyện Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên. Ngày 14/4/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 63 về bầu cử HĐND cấp tỉnh và xã; huyện Khoái Châu tiến hành hợp nhất 76 xóm nhỏ thành 22 xã lớn và tồn tại đến năm 1955. Sau khi điều chỉnh, huyện Khoái Châu có 25 xã là: Bình Minh, Đông Tảo, Dạ Trạch, Hàm Tử, Ông Đình, Tân Dân, Tứ Dân. Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Chí Tân, Liên Khê, Phùng Hưng, Thuần Hưng, Đại Hưng, Thành Công, Nhuế Dương, Việt Hoà, Hồng Tiến, Đồng Tiến, Dân Tiến, Bình Kiều, An Vĩ, Đông Kết, Kim Ngưu (nay là thị trấn Khoái Châu). Ngày 24 tháng 2 năm 1979, Chính phủ ra Quyết định 70-QĐ/CP thành lập huyện Châu Giang gồm 25 xã của huyện Khoái Châu, 9 xã của huyện Văn Giang cũ và 5 xã của huyện Yẽn Mỹ là: Hoàn Long, Yên Phú, Yên Hoà, Việt Cường, Minh Châu.

Từ ngày 01/9/1999 huyện Khoái Châu được tái lập theo Nghị định số 60/1999/NĐ-CP ngày 24/7/1999 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách các huyện Mỹ Văn và Châu Giang, tỉnh Hưng Yên để tái lập các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu và Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Huyện Khoái Châu có vị trí địa lý quan trọng nằm phía Tây của tỉnh Hưng Yên và thuộc trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Hồng; phía Đông giáp huyện Ân Thi, huyện Kim Động; phía Tây giáp huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội; phía Nam giáp huyện Kim Động, phía Bắc giáp với huyện Văn Giang, huyện Yên Mỹ. Toàn huyện có 25 đơn vị hành chính (gồm 24 xã và 01 thị trấn), có 111 thôn; với tổng dân số tính đến năm 2017 của huyện là 208.376 người; tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 13.097,59 ha. Về giao thông đường thủy có sông Hồng là đường phân giới tự nhiên với các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; hệ thống giao thông đường bộ có Quốc lộ 39A và 07 tỉnh lộ huyết mạch chạy qua, là điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, phát triển kinh tế - văn hóa với các huyện và tỉnh trong khu vực.

Bản đồ huyện Khoái Châu

Nguyễn Cường

Tin liên quan